Bayer sử dụng khí thải làm nguyên liệu thô cho ngành nhựa
Đây là phát minh mới của Tập đoàn Bayer. Doanh nghiệp này đã bắt đầu lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Dormagen, Đức. Tại đây, khí CO2 sẽ được sử dụng sản xuất chất tiền thân cho vật liệu foam chất lượng cao. Nguyên liệu chất lượng cao này được ứng dụng trong nhiều vật dụng hàng ngày, bao gồm ghế bọc da, phụ tùng ôtô, thiết bị điện lạnh và vật liệu cách nhiệt cho các tòa nhà. Các buổi thử nghiệm nội bộ cho thấy foam mới đạt chất lượng cao, ít nhất là tương đương với chất lượng vật liệu thông thường sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch. Việc sử dụng khí thải cacbon điôxít sẽ mang lại lợi ích cho môi trường.
Khí CO2 sẽ được sử dụng như một nguyên liệu thô mới trong ngành nhựa (tiền thân cho vật liệu foam chất lượng cao). |
Khí CO2 thay thế cho thành phần nguyên liệu hóa thạch thô như dầu mỏ vốn được xem như một trong những nguyên liệu không thể thay thế. "Khí thải trở thành nguyên liệu thô hữu ích và mang lại lợi nhuận. Điều đó giúp chúng tôi trở thành một trong những công ty đầu tiên trên toàn cầu có cách tiếp cận khác trong ngành sản xuất foam chất lượng cao. Giai đoạn đầu công ty sẽ sử dụng khí CO2 mới để sản xuất foam mềm cung cấp cho ngành sản xuất nệm”, ông Patrick Thomas, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của nhánh Bayer MaterialScience phát biểu.
Với doanh thu 11,5 tỷ năm 2012, Bayer MaterialScience (thuộc Tập đoàn Bayer) là một trong những công ty về polymer lớn nhất thế giới. Hoạt động kinh doanh của nhánh Bayer MaterialScience tập trung vào sản xuất vật liệu kỹ thuật cao polymer và phát triển các sản phẩm sáng tạo phục vụ cho đời sống. Các sản phẩm của doanh nghiệp phục vụ cho các ngành công nghiệp ôtô và xây dựng, ngành điện - điện tử, sản xuất phụ tùng cho ngành thể thao và giải trí. Cuối năm 2012, Bayer MaterialScience đã có 30 cơ sở sản xuất và khoảng 14.500 nhân viên trên toàn thế giới.
Phương Thảo