Công nghệ đã 'tàn phá' ngày nghỉ như thế nào?
Ngày nghỉ trước đây luôn luôn đi kèm với các buổi đi chơi, những ngày không phải làm việc, có thể mặc trang phục bình thường và làm các công việc ưa thích cùng người thân. Những ngày nghỉ đôi khi cũng là lúc để bắt đầu sửa chữa lại những vật dụng bị hỏng trong gia đình hay trở thành thời gian để ngủ nướng của bất kì ai. Tuy nhiên, những hành động đó có lẽ chỉ còn trong quá khứ vì smartphone dường như đang thay đổi tất cả.
Sẽ thật tuyệt vời nếu như ngày nghỉ không phải suy nghĩ bất kì thứ gì, bạn có thể đóng sách vở, tắt máy tính và thực sự nghỉ ngơi thoải mái. Nhưng, với tần suất sử dụng smartphone trung bình 150 lần mỗi ngày, sẽ có rất ít người trong chúng ta được nghỉ ngơi. Những chiếc smartphone đi kèm với email, các lịch nhắc nhở làm cho người dùng cảm thấy không được rảnh rỗi. Dù cho bạn có đang nằm dài trên giường, một tin nhắn báo công việc khẩn cấp hoặc lịch nhắc nhở về một kì thi sắp tới cũng có thể làm hỏng hoàn toàn ngày nghỉ của bạn, kể cả những sự kiện này chưa xảy ra.
Sự tiện lợi của công nghệ đã mang tới sự bất lợi cho con người. |
Theo như thống kê năm 2011, có tới 35% dân số làm việc vào ngày cuối tuần. Tất nhiên chẳng có cơ quan tổ chức nào chi trả cho những ngày nghỉ nhưng vô hình chung những người sử dụng smartphone có xu hướng tự ép mình bận rộn. Với 65% còn lại, có vẻ như họ quá bận rộn tới mức không thể trả lời được thống kê này.
Theo như thống kê của tổ chức Reboot - một tổ chức phi lợi nhuận với mục đích giúp ngày nghỉ đúng nghĩa hơn: "Cuộc sống hiện tại là một cuộc chạy đua khốc liệt, tất cả mọi thứ đều được đi kèm chữ "khẩn cấp" ở phía sau. Từ "ăn khẩn cấp", "dọn dẹp khẩn cấp", "học khẩn cấp", "làm việc khẩn cấp"... tất cả mọi thứ đều gấp gáp. Con người ở thời buổi hiện tại dường như đối đầu với mọi vấn đề ngay lập tức, không hề có chậm trễ. Nhìn ở góc độ hiện đại thì đây là điều rất tốt, nhưng thật ra nó đã phá hỏng rất nhiều thói quen vốn có đồng thời làm ảnh hưởng tới sức khỏe của mỗi chúng ta".
Cụm từ "khẩn cấp" giờ đây được tự động gắn vào tất cả những việc làm xung quanh mỗi người. |
Ngoài ra, càng lợi dụng công nghệ nhiều, con người càng có xu hướng "ngại nghĩ" và căng thẳng hơn. Đây cũng là lý do chủ yếu mà các nhà trường đều cấm học sinh sử dụng điện thoại di động, máy tính cũng như mạng Internet vì muốn tất cả học sinh được phát triển bình thường, với những kĩ năng bình thường mà không bị khui chột bởi công nghệ. Việc ngày một nhiều "cú đêm" sử dụng thiết bị thâu đêm suốt sáng cũng làm cho họ trở nên bi quan, căng thẳng hơn người bình thường.
Nhiều người đổ tại thế giới, khi mà mọi thứ đều diễn ra nhanh chóng mặt, những người khác lại đổ tại các sản phẩm công nghệ vì quá hấp dẫn khiến họ không thể dứt ra nổi, số còn lại không thể trả lời tại sao mình lại bị công nghệ lôi cuốn tới vậy. Tuy nhiên, lý do chủ yếu vẫn ở bản thân mỗi con người, theo cuốn sách "Những người thành công làm gì vào ngày cuối tuần" của tác giả Laura Vanderkam thì phần lớn họ đều dành quãng thời gian này để nghỉ ngơi, thư giãn và vui chơi chứ không "đâm đầu" vào một cuộc đua ảo không có hồi kết. Tất cả họ đều có chung một quan điểm: "Hãy chỉ làm việc khi thấy thật sự thoải mái và đừng lạm dụng công nghệ trong ngày nghỉ".
Những ngày nghỉ thật sự là một ngày rời xa máy tính, xa điện thoại, email và chơi đùa cùng thú cưng hay có những chuyến dã ngoại cùng gia đình. |
Ngoài việc lãng phí thời gain, chúng ta còn vô tình tạo cho cơ thể một cảm giác không lành mạnh khi sử dụng hết năng lượng cho việc suy nghĩ mà không được nghỉ ngơi hợp lý. Những ngày cuối tuần được sử dụng cho việc nghỉ ngơi, tất nhiên không phải để bạn ngủ cả ngày dài mà là thời gian để bạn vui chơi, có được cảm giác thoải mái trước khi bắt đầu một tuần làm việc mới. Nếu tình trạng ngủ không đủ, không đúng giấc xảy ra quá thường xuyên, não bộ sẽ mất thông tin đồng thời mạch suy nghĩ sẽ giảm nghiêm trọng.
Với những người thường xuyên thiếu ngủ hoặc có thời gian sinh hoạt không điều độ, họ luôn có trí nhớ kém đồng thời tư duy logic kém hơn hẳn những người sinh hoạt đủ, đúng giờ. Việc ngồi bên máy tính hay sử dụng điện thoại với thời lượng kéo dài còn gây nên các bệnh về mắt cũng như thay đổi đồng hồ sinh học của mỗi người.
Tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại, máy tính bảng không những ảnh hưởng tới mắt mà còn làm thay đổi chu kì sinh học của mỗi người. |
Cho dù bạn có làm việc 50-60 giờ mỗi tuần đi nữa thì công việc của bạn cũng không bao giờ bằng một người chỉ làm việc 40 giờ nhưng được nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ. Điều này đúng với phần lớn con người trên Trái Đất, nên nếu bạn không phải là siêu nhân, đừng phí sức lực để đạt được kết quả kém hơn. Tuy nhiên, bạn cũng không thể dành toàn bộ thời gian chỉ để ngủ và chơi được, ngủ quá nhiều khiến cơ thể mệt mỏi, suy nghĩ không tỉnh táo và... chơi quá nhiều sẽ khiến chúng ta trở nên chây ỳ với bất kì công việc nào.
Theo Kênh 14