Tin tức

Hậu cuộc đua 2 triệu người dùng của các ứng dụng OTT



Zalo là ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) đầu tiên đạt khả năng tự phát tán như Facebook, nhưng liệu cuộc đua đã an bài với 3 ông lớn còn lại là Line, Kakao Talk và Wechat?

Trước khi gặp scandal “đường lưỡi bò”, Wechat là OTT có triển vọng nhất trên thị trường Việt Nam, và là ứng dụng nhắn tin miễn phí đầu tiên đạt 1 triệu người dùng vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, việc tích hợp “đường lưỡi bò” vào sản phẩm bị phát hiện vào cuối tháng 1/2013 khiến ứng dụng này bị tẩy chay trên diện rộng và gần như không còn cửa trong cuộc đua với các OTT khác như Zalo, Line và Kakao Talk.

Trong khi đó, Line và Kakao Talk có khá nhiều điểm tương đồng khi bước chân vào Việt Nam, bởi họ đều là những “ông kẹ” tại nhiều thị trường khác ở châu Á. Không khó hiểu khi Line và Kakao sử dụng chung một công thức: dùng các chương trình quảng cáo rầm rộ để lôi kéo người dùng. Line với lợi thế là người đi trước nhanh chóng cán mốc 1 triệu người dùng vào cuối tháng 2, còn Kakao Talk sau những đoạn quảng cáo truyền hình được phát dày đặc vào giờ “vàng” cũng “gom” đủ 1 triệu người dùng vào tháng 3.

Zalo đánh dấu sự trở lại bằng phiên bản chính thức vào tháng 12 và nhanh chóng vươn lên trị trí số 1 trên bảng xếp hạng của App Store vào tháng 1/2012, rồi cán mốc 1 triệu người dùng đầu tháng 3.

Hàng “nội” duy nhất trong nhóm bộ tứ OTT nói trên là Zalo lại trải qua một quãng thời gian không dễ chịu thời điểm ban đầu. Đội ngũ phát triển Zalo đã có những tính toán sai, khiến cho ứng dụng này gần như mất dạng trong suốt 3 tháng đầu ra sản phẩm thử nghiệm (từ tháng 8/2012). Tuy nhiên, OTT thuần Việt đánh dấu sự trở lại bằng phiên bản chính thức vào tháng 12 và nhanh chóng vươn lên trị trí số 1 trên bảng xếp hạng của App Store vào tháng 1/2013, rồi cán mốc 1 triệu người dùng đầu tháng 3.

Cũng từ thời điểm đó, Zalo có được sức lan truyền mạnh mẽ và tăng tốc đạt 2 triệu người dùng vào ngày 3/5/2013. Cột mốc 2 triệu người dùng được các chuyên gia đánh giá giúp OTT có khả năng phát tán tự nhiên như Facebook, và đưa cuộc đua nhanh đến hồi kết, bởi nếu xung quanh ai cũng dùng Zalo thì khả năng phát triển của các ứng dụng khác là rất nhỏ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia về viễn thông, Zalo không có nhiều điểm vượt trội về sản phẩm so với các ứng dụng ngoại. Điểm khác biệt khiến OTT Việt được người dùng đánh giá cao là khả năng nhắn tin nhanh, ổn định ở mọi lúc, mọi nơi, mà đây lại là điểm yếu của 2 sản phẩm nước ngoài.

Với việc chạy tốt trên cả mạng 2G - 2,5G - 3G - Wi-Fi, Zalo có vùng phủ sóng rộng hơn nhiều so với Line và Kakao Talk (chỉ hoạt động ở vùng có 3G và Wi-Fi). Bên cạnh đó, ứng dụng Việt còn chạy tốt trên các feature phone chứ không chỉ smartphone cao cấp như OTT ngoại. Tối ưu hóa với hạ tầng mạng di động và đặt máy chủ trong nước là lý do giúp Zalo nhắn tin nhanh và ổn định hơn ứng dụng ngoại.

Song ứng dụng nước ngoài như Line, Kakao Talk vẫn có những thế mạnh khác. Kinh nghiệm phát triển dịch vụ ở thị trường nước ngoài, cùng tiềm lực tài chính dồi dào là một vũ khí quan trọng giúp họ đuổi sát Zalo. Mật độ quảng cáo dày đặc trên truyền hình của Kakao Talk thời gian gần đây cũng giúp cho ứng dụng này gia tăng lượt tải khá lớn. Nguồn tin từ Kaokao Talk cho biết, họ cũng sẽ đạt được cột mốc 2 triệu người dùng trong một thời gian gần.

Trong khi đó, Line - ứng dụng Nhật Bản từng có khởi đầu rất tốt và có lúc dẫn đầu thị trường - đang chuẩn bị cho những kế hoạch mới. Sau một thời gian tạm im ắng trên trận chiến quảng cáo, OTT này đang có dự kiến trở lại với những chương trình hoành tráng.

Cũng vì thế, mặc dù là OTT đầu tiên đạt được mốc có khả năng phát tán tự nhiên như Facebook nhưng Zalo chỉ có được lợi thế quan trọng chứ chưa thể công bố chiến thắng. Ông Vương Quang Khải - Phó tổng giám đốc công ty VNG, người phụ trách Zalo - cũng thừa nhận: “Tất cả mới chỉ bắt đầu, và cơ hội vẫn còn cho tất cả các sản phẩm”. Tuy nhiên, ông Khải tiết lộ, mục tiêu tiếp theo sẽ là mốc 5 triệu người dùng, tương đương 50% lượng người sử dụng điện thoại thông minh ở Việt Nam.

Liệu Line, Kakao Talk có thể vượt lên Zalo sau khi bị lỡ nhịp trở thành OTT đầu tiên cán mốc phát tán tự nhiên như Facebook? Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, nếu Line và Kakao Talk chưa thể xử lý được vấn đề về “vùng phủ sóng” (chỉ chạy tốt trên 3G và Wi-Fi), đồng thời không cải thiện tốc độ cũng như sự ổn định khi nhắn tin, thì khả năng vượt lên là rất nhỏ. Trong khi đó, Zalo sẽ gặp bài toán đau đầu về tài chính khi phải chạy đua trường kỳ trên truyền thông, quảng cáo với các OTT ngoại quốc.

Trong cuộc chiến hậu 2 triệu người dùng, ứng dụng nào sẽ vượt lên? Thời gian sẽ cho câu trả lời.

Theo Giáo dục Việt Nam

Menu
Giới thiệu
Dịch vụ
Tin tức
Download
Khách hàng
Liên hệ
Giới thiệu
Giới thiệu Univinet
Hướng dẫn và hỗ trợ
Đội ngũ & phòng ban
Giai đoạn phát triển
Dự án đầu tư
Dịch vụ
Thiết kế web
Dịch vụ tên miền
Dịch vụ hosting
Quảng bá website
Thiết kế sáng tạo
call-button