Những nâng cấp sẽ giúp iOS 7 tỏa sáng tại WWDC 2013
Vừa qua, theo những quan sát tại địa điểm tổ chức Hội nghị WWDC 2013 với rất nhiều băng rôn, biển quảng cáo có in hình số 7 đã cho thấy gần như chắc chắn iOS 7 sẽ được công bố trong dịp này. Sự ra mắt của iOS 7 là một cột mốc quan trọng trên chặng đường phát triển của Apple. Sau 6 năm kể từ khi phiên bản iPhone thế hệ đầu tiên xuất hiện, nhiều khả năng giao diện iOS sẽ có sự thay đổi lớn về mặt thiết kế.
Giai đoạn này đang là thời điểm Apple phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các smartphone Android của Samsung, trong khi người dùng đang cảm thấy mất dần sức hút với iOS do bị hấp dẫn bởi giao diện của các nền tảng khác, bao gồm cả Windows Phone 8 và BlackBerry 10. Tuy nhiên, ngoài một thiết kế giao diện kiểu mới, người dùng vẫn mong muốn một phiên bản hệ điều hành iOS 7 được bổ sung và nâng cấp nhiều tính năng hơn nữa nhằm tạo được sự hài hòa trong nền tảng cũng như tăng trải nghiệm người dùng. Sau đây, chúng tôi xin điểm qua một số kỳ vọng lớn mà người dùng đang chờ đợi từ hệ điều hành iOS 7 của Apple.
1. Mở rộng liên kết ứng dụng
Sau nhiều năm sử dụng hệ điều hành iOS, chúng tôi nhận thấy khả năng chia sẻ dữ liệu từ một ứng dụng với các ứng dụng khác thực sự khó khăn. Điều này có nghĩa là dữ liệu được lưu trữ trong một ứng dụng không thể truy cập từ các ứng dụng khác chỉ trừ một số trường hợp ngoại lệ đối với các tính năng tích hợp như Lịch, Danh bạ, iTunes Music và thư viện ảnh.
Nếu xét theo tính chất bảo mật thông tin người dùng, điều này là rất tốt. Bạn sẽ gần như không phải lo lắng về một ứng dụng giả mạo truy cập dữ liệu từ nơi khác và trục lợi từ các thông tin cá nhân của bạn. Tuy nhiên, với góc độ của nhiều người dùng, nó tạo nên sự hạn chế nhất định. Sẽ thật bất tiện khi bạn muốn truy cập và sử dụng dữ liệu từ một ứng dụng khác. Chẳng hạn: Khi muốn ghi âm giọng bằng ứng dụng Voice Memos và gửi đến Dropbox hay Evernote. Bạn không thể làm việc này đơn giản và nhanh chóng. Thay vào đó, bạn phải kết nối iPhone với máy tính, mở trình PhoneView và sau đó chuyển các tập tin vào máy tính.
Do đó, iOS 7 cần giải quyết được vấn đề quản lý và chia sẻ thông tin, dữ liệu một cách liền mạch hơn giữa các ứng dụng. Dẫu biết rằng Apple vẫn luôn coi trọng tính bảo mật nhưng nếu kiểm soát tốt các ứng dụng và cho phép những ứng dụng đã rõ nguồn gốc có thể chia sẻ thông tin cùng nhau thì chắc chắn sẽ đem lại nhiều tiện lợi hơn cho người dùng.
2. Tự tùy chọn ứng dụng mặc định
Apple cho phép các khách hàng của mình có thể mặc sức sử dụng các ứng dụng mail, bản đồ, trình duyệt web của bên thứ ba từ App Store. Tuy nhiên, “Táo khuyết” luôn đặt ra “những luật lệ nhất định” mà người dùng buộc phải tuân theo. Đó là dù bạn có sử dụng các ứng dụng bên thứ 3 nhiều như thế nào nhưng không thể thay đổi ứng dụng mặc định được cài đặt sẵn. Điều đó có nghĩa rằng bạn không thể sử dụng Gmail hoặc Mailbox là ứng dụng thư mặc định hay Chrome là trình duyệt web mặc định.
Song người dùng vẫn tìm ra một số biện pháp để “lách luật”. Ví dụ, bạn có thể sử dụng chương trình x-callback, cho phép người dùng lựa chọn những ứng dụng mặc định để hoạt động với từng công việc cụ thể. Google thậm chí còn có hẳn một trang hướng dẫn các nhà phát triển nhằm định tuyến các ứng dụng của họ luôn sử dụng Chrome (nếu nó được cài đặt) chứ không phải là Safari trên iOS.
Thực ra, chúng ta có thể hiểu và thông cảm tại sao Apple lại không tạo ra một không gian hệ điều hành mở như Android. Ngoài vấn đề an ninh, Apple vẫn muốn người dùng trung thành với các ứng dụng mặc định hãng đưa ra thay vì chú trọng quá nhiều vào các ứng dụng từ đối thủ Google. Nhưng trong thời buổi này, khách hàng là thượng đế, họ bỏ tiền ra và vẫn muốn được làm chủ thiết bị theo nhu cầu riêng của mình, có rất nhiều người chọn Android chỉ đơn giản vì nó quá mở, không gò bó người dùng khi cho phép dễ dàng chọn bất cứ ứng dụng mặc định nào họ muốn. Do đó, Apple có thể học cách chiều lòng “các thượng đế” của mình chỉ bằng một tính năng đơn giản từ chính hệ điều hành là cung cấp quyền tự chọn ứng dụng mặc định họ thích.
3. API âm nhạc tốt hơn cho các ứng dụng của bên thứ ba
iTunes Match là một trong những dịch vụ được yêu thích của nhiều người. Đây là thư viện âm nhạc đám mây với cách thức hoạt động khá đặc biệt. Thay vì phải upload toàn bộ kho nhạc của bạn lên máy chủ của hãng cung cấp rồi stream về để sử dụng, iTunes Match sẽ quét lấy thông tin toàn bộ kho nhạc của bạn. Với những bản nhạc có trên iTunes Store, người dùng có thể nghe trên máy khác ngay sau khi quá trình Matching kết thúc. Với những bản nhạc không có trên iTunes Store sẽ được upload lên máy chủ. Do đó chúng ta giảm thiểu được khá nhiều thời gian tải dữ liệu âm nhạc lên đám mây vì công việc này đã được hỗ trợ bởi iTunes Store.
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều ứng dụng âm nhạc của bên thứ ba được hỗ trợ các tính năng tuyệt vời so với trình nghe nhạc mặc định của iOS. Nhưng những ứng dụng này chỉ có thể chơi các bài hát người dùng đã tải về máy hoặc nghe online, mà không tận dụng được nguồn dữ liệu đã được lưu trữ trong đám mây iTunes Match. Sẽ là một bước đột phá khi Apple cho phép truy cập vào iTunes Match từ các ứng dụng âm nhạc của bên thứ ba này.
4. Cải thiện iCloud
Khi Apple cho ra mắt iCloud, nó rõ ràng được kỳ vọng sẽ loại bỏ các điều chỉnh và những file hệ thống để tiến tới một giải pháp đồng bộ tự động hóa. Tuy vậy, sau một quá trình sử dụng, các trình viên liên tục than phiền về iCloud API có vấn đề cũng như năng lực đồng bộ của dịch vụ. Việc đồng bộ hóa iCloud và Core Data có những vấn đề mà Apple chưa thể giải quyết. Một lập trình viên đã phải thốt lên rằng: “"iCloud với Core Data là cơn ác mộng tồi tệ nhất của một lập trình viên. Nó gây bực bội, tức giận và tiêu tốn hàng trăm giờ làm việc". “Thực tế là việc đồng bộ hóa dữ liệu rất khó nhọc, và chất lượng đường truyền không phải lúc nào cũng đảm bảo. Bạn phải viết rất nhiều đoạn mã phức tạp để xử lý vấn đề và cập nhật".
WWDC là sự kiện dành cho lập trình viên, vì thế đây là thời điểm lí tưởng để Apple thông báo những cải tiến quan trọng cho iCloud API.
5. Siri thông minh và chính xác hơn
Siri đã được giới thiệu cùng với iPhone 4S trong năm 2011 với lời hứa hẹn trở thành một trợ lý ảo tuyệt vời. Nhưng thực tế hiện nay có bao nhiều người đang thực sự sử dụng Siri như một trợ lý ảo? Chúng ta không thể nắm rõ con số cụ thể nhưng không thể phủ nhận rằng Siri vẫn còn khá nhiều hạn chế để vươn lên tầm một người hỗ trợ thông minh thực thụ. Chẳng hạn như khả năng nhận dạng giọng nói của Siri không được tốt lắm, và thời gian phản ứng, nói chuyện của “cô nàng” cũng thường rất lâu. Khi làm việc cùng Siri, người dùng rất hay gặp phải tình trạng “không thể truy cập máy chủ hoặc không thể xử lý yêu cầu đó ngay bây giờ”.
Trong khi đó, đối thủ Android dù xuất phát chậm hơn nhưng có vẻ như Google Now lại đang có những bước tiến nhanh hơn so với Siri. Rõ ràng, đứng trước sức ép không nhỏ của Android, Apple sẽ phải tiếp tục tìm đường để cải tiến Siri theo hướng thông minh và nhanh nhạy hơn nữa.
6. Giao diện hiện đại, dễ tùy biến hơn
iOS là hệ điều hành được đánh giá cao về tính thẩm mỹ nhưng về lâu về dài chúng ta vẫn cần một sự đổi mới để xóa tan cảm giác nhàm chán. Dù chưa thể khẳng định chắc chắn giao diện theo phong cách “phẳng hóa” có dễ dàng được người dùng đón nhận hay không nhưng sự háo hức chờ đợi một màn “lột xác” ngoạn mục từ Apple là không thể bàn cãi. Bên cạnh việc hiện đại hóa giao diện, iOS 7 cần trao tận tay người dùng tính "linh hoạt" để họ có thể tùy biến chủ đề (themes) bất kì lúc nào và bất kì kiểu dáng nào.
Widget cũng là một trong những điểm hấp dẫn của hệ điều hành Android. Dù rằng qua những hình ảnh đã rò rỉ cùng với việc Apple không muốn mang tiếng là kẻ bắt chước, gần như Apple sẽ không mang widget lên màn hình Homescreen của iOS 7. Nhưng công bằng mà nói, widget là một thiết kế cực kỳ thành công không chỉ nhằm trang chí mà còn là nguồn cung cấp các thông tin đầy trực quan và nhanh chóng. Mong muốn Apple cho phép người dùng iOS 7 có thể tùy chọn các loại widget hỗ trợ thiết nghĩ là một điều hoàn toàn chính đáng.
Theo Trí Thức Trẻ/GenK