Siêu kính Google bị chê đồng loạt
Nếu bỏ thời gian đọc hết các bài review trên website, diễn đàn và blog công nghệ uy tín, bạn sẽ thấy nhiều ý kiến về Glass. Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, đây là một sản phẩm còn nhiều lỗi, công năng vẫn là một dấu hỏi và sở dĩ nó gây được nhiều chú ý là vì người dùng tò mò với một thiết bị với vẻ bề ngoài đầy chất viễn tưởng mà thôi.
Kính rất khó nhìn dưới điều kiện ánh sáng mạnh. |
Dưới đây là những sự thật gây thất vọng nhất về Google Glass:
Thời lượng pin quá tệ
Trang Engadget ước tính thời lượng pin của kính khoảng 5 tiếng, trong khi Business Insider khẳng định chưa được nổi 3 giờ đồng hồ. Đối với một thiết bị được thiết kế để đeo trên mặt bạn cả ngày, sử dụng như một công cụ thông báo email, tin nhắn, tin tức... thì hiển nhiên, thời lượng này là khó chấp nhận.
Gây xao nhãng và khiến bạn đau đầu
Business Insider khẳng định, khi đeo kính, bạn không tài nào tập trung được vào những người hoặc vật xung quanh mình nữa. Ngoài ra, nó còn khiến bạn đau đầu bởi phải tập trung nhìn vào một vật quá gần mặt mình trong một thời gian dài. Eric Jackson, Giám đốc quỹ đầu tư Hedge cũng viết trên Twitter rằng: "Theo tiết lộ của những người dùng thử Google Glass đợt đầu, thiết bị này thực sự gây đau đầu - tại thời điểm này còn quá nhiều nhược điểm".
Màn hình Google Glass bị chê bé. |
Màn hình rất khó xem trong điều kiện ánh sáng mạnh
Trang Engadget gọi việc quan sát qua kính dưới ánh nắng trực tiếp là một "sự thách đố". Đây thực sự là một vấn đề lớn, bởi bạn phải đeo kính cả ngày và rất nhiều thời gian trong số đó là để di chuyển ngoài trời.
Không thể điều chỉnh bất cứ settings nào của Glass
Các chuyên gia của Engadget nhận định thêm rằng, bạn không thể chỉnh âm lượng hay độ sáng của màn hình, không thể tắt Wi-Fi hay Bluetooth (cả hai đều luôn trong trạng thái bật) khi sử dụng Google Glass. Bạn cũng không thể sắp xếp lại các thẻ ứng dụng ở giao diện hay đặt ưu tiên cho chúng. Tất nhiên, người dùng cũng không thể kích hoạt chế độ câm hay "đừng làm phiền".
Tính năng điều khiển bằng giọng nói bị lỗi
Có 2 cách để điều khiển Glass: một là qua bảng điều khiển cảm ứng ở gọng kính còn hai là qua giọng nói. Khi muốn thiết bị làm một việc gì đó, bạn sẽ nói: "Ok Glass" rồi nêu yêu cầu của mình. Nhưng khi chuyên gia của Business Insider thử nghiệm tính năng điều khiển giọng nói thì phát hiện, Glass không nghe theo câu lệnh của người đeo mà lại "bắt nhầm tín hiệu" của một đồng nghiệp khác đang trò chuyện điện thoại gần đó. Và dù cô này không hề nói câu "Ok Glass" làm hiệu lệnh, thiết bị vẫn xử lý thao tác tìm kiếm Google cho từ khóa "chạy".
Google Glass là sản phẩm chưa hoàn thiện để có thể bán ra thị trường tại thời điểm này. |
Vẫn cần tới smartphone để sử dụng Glass khi ở ngoài trời
Do Google Glass không có kết nối dữ liệu di động tích hợp nên nếu như muốn truy cập mạng trên đường di chuyển, bạn sẽ phải kết nối nó với smartphone trước.
Rất khó cởi
Khác với kính thông thường, Glass có thiết kế liền khối không thể gập được. Điều này có nghĩa là bạn không thể cài nó vào túi áo hay nhét vào trong túi một cách dễ dàng. Màn hình của kính rất mỏng manh và Google đã khuyến cáo người dùng không nên chạm vào nhiều. Điều này khiến cho việc tháo kính, cất kính càng bất tiện hơn.
Phúc đáp, biên tập và sửa lại tin nhắn khó khăn
Nếu như bạn nói chậm, rõ và tránh các lỗi ngữ pháp tối đa thì mới có cơ hội gửi đi một email chuẩn. Nếu như Glass nghe không đúng thì bạn sẽ phải xóa toàn bộ email và đọc nội dung lại từ đầu.
Tất nhiên hầu hết những lỗi này đều có thể khắc phục theo thời gian, nhưng câu hỏi lớn hơn là, bạn định dùng Glass vào mục đích gì? Hầu hết các chuyên gia đều chưa nhận thấy lý do thuyết phục nào để họ buộc phải sử dụng Glass trong tương lai. Động cơ nổi trội nhất hiện nay là Glass cho phép bạn chụp ảnh một cách chóng vánh, dù chất lượng ảnh thì tệ hơn iPhone hay smartphone Android rất nhiều.
Bên cạnh đó, giá bán của Google Glass được đưa ra rất đắt. Với những gì nhận được, người dùng có quyền tiếc rẻ cho số tiền 1500 USD mà họ đã bỏ ra.
Theo Vietnamnet