Tin tức

Ứng dụng nhắn tin miễn phí: Vì sao nội thắng ngoại?



Cách đây chỉ vài tháng, rất hiếm người dám tin rằng, một ứng dụng nhắn tin miễn phí trong nước lại có thể vượt được những ”người khổng lồ” đến từ nước ngoài như Viber, Wechat… tại Việt Nam.

Hơn 5 tháng trước đây, khi Zalo - ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt do VNG phát triển - được cung cấp thử nghiệm, rất nhiều người còn chưa hiểu đây là sản phẩm gì. Hầu hết người dùng quen với Viber (vốn có tiếng từ nhiều năm nay về gọi điện thoại Internet và có thể chat) và Wechat (được quảng bá rất rầm rộ tại Việt Nam và cũng đã thành công tại Trung Quốc).

Thế nhưng, chỉ sau khi cung cấp phiên bản chính thức khoảng hơn một tháng, Zalo đã có một bước đại nhảy vọt trên bảng xếp hạng của App Store tại Việt Nam và đứng vị trí số 1 liên tục từ tháng 1/2013 đến nay. Chưa hết, đến cuối tháng 2/2013, Zalo đã gần đạt mốc một triệu người dùng và trở thành ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động số 1 Việt Nam. Đâu là nguyên nhân khiến cho một ứng dụng công nghệ trong nước có thể vượt qua những người khổng lồ, đã có tiếng trên thế giới về nhắn tin miễn phí trên di động?

 

Zalo là ứng dụng đang “gây bão” trên điện thoại di động.

Thứ nhất, đó là yếu tố sản phẩm. Trong thời gian cung cấp thử nghiệm, khi còn gặp các trục trặc về vấn đề đăng ký người dùng và các tính năng chưa hoàn thiện, Zalo không có được một vị trí tốt trên bảng xếp hạng của App Store Việt Nam - nơi đánh giá của nhóm khách hàng khó tính và bảo thủ nhất. Tuy nhiên, khi đưa ra phiên bản chính thức với những tính năng cập nhật phù hợp nhất cho thị trường nội địa, Zalo lập tức vọt lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng, vượt qua đối thủ Wechat - ứng dụng thống trị thời gian trước đó.

Trên thực tế, ngoài nhiều tính năng không thua kém các sản phẩm ngoại, Zalo còn có những đặc điểm phù hợp với hạ tầng mạng di động Việt Nam cũng như những máy điện thoại của bộ phận khách hàng đông nhất. Ví dụ: trong khi các ứng dụng nước ngoài chỉ hoạt động tốt trên smartphone với 3G và Wi-Fi thì Zalo còn chạy tốt trên cả 2G và 2,5G, với các điện thoại phổ thông của Nokia. Điều này khiến cho đối tượng khách hàng dùng Zalo rộng hơn nhiều.

Thứ hai, sau sự kiện Wechat bị phát hiện tích hợp bản đồ “đường lưỡi bò” vào sản phẩm, hầu hết các ứng dụng nhắn tin miễn phí nói chung đều được hưởng lợi. Trong sự kiện này, Zalo là một sản phẩm thuần Việt được người dùng trong nước ưu ái hơn như một biểu hiện của tinh thần dân tộc. Sản phẩm tốt, cộng với sự ưu ái của người dùng trong nước giúp ứng dụng nhắn tin thuần Việt có bước nhảy vọt về lượng người dùng.

Zalo có được cảm tình và sự ưu ái của người dùng trong nước sau scandal bản đồ "đường lưỡi bò" của Wechat.

Thứ ba là tốc độ. Nếu nhắn tin bằng Zalo trên điện thoại, người dùng sẽ thấy sự vượt trội về tốc độ so với nhắn tin truyền thống SMS cũng như chat thông thường (cả với thoại). Việc đặt máy chủ tại Việt Nam, và tối ưu hóa sản phẩm với hạ tầng viễn thông trong nước, là nguyên nhân khiến Zalo có ưu thế tốc độ hơn hẳn.

Thứ tư là nội dung phù hợp với người Việt. Nội dung bản địa của Zalo thể hiện ở bộ hình động hay tính năng đậm bản sắc Việt. Chẳng hạn như trong dịp Tết cổ truyền vừa qua, Zalo ra mắt bộ hình động sử dụng hình tượng của danh hài Hoài Linh, một nhân vật được rất nhiều người Việt Nam yêu mến.

Tất cả những yếu tố trên kết hợp lại đã tạo nên sự yêu mến Zalo của cộng đồng người dùng trong nước, đưa ứng dụng thuần Việt vượt lên trên các đối thủ sừng sỏ nước ngoài. Tuy nhiên, cuộc chạy đua ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động luôn di động, và vị trí của Zalo có thể bị mất bất cứ lúc nào nếu như công ty tạo ra sản phẩm này không liên tục cập nhật và đem tới cho người dùng những tiện ích cũng như niềm vui mới.

Theo Dân Việt

Menu
Giới thiệu
Dịch vụ
Tin tức
Download
Khách hàng
Liên hệ
Giới thiệu
Giới thiệu Univinet
Hướng dẫn và hỗ trợ
Đội ngũ & phòng ban
Giai đoạn phát triển
Dự án đầu tư
Dịch vụ
Thiết kế web
Dịch vụ tên miền
Dịch vụ hosting
Quảng bá website
Thiết kế sáng tạo
call-button